Thổ lâu Phúc Kiến - Những "pháo đài đất" độc đáo Trung Quốc

Posted on 13/07/2025 by Yoko Thảo

Giữa vùng đất Phúc Kiến thanh bình của Trung Quốc, nơi núi non trùng điệp và những dòng sông lặng lẽ trôi qua bao thế kỷ, có một công trình kiến trúc khiến bất kỳ ai đặt chân tới cũng không khỏi trầm trồ kinh ngạc – đó chính là Thổ lâu. Đây không chỉ là nơi ở mà còn là biểu tượng sống động cho sự sáng tạo, kiên cường và tinh thần đoàn kết của người dân Khách Gia trên đất Phúc Kiến. Cùng Saigontimes Travel khám phá công trình mang đậm dấu ấn thời gian trong tour du lịch Trung Quốc ngay bây giờ!

Giới thiệu chung về Thổ lâu Phúc Kiến

Thổ lâu Phúc Kiến là tên gọi chung cho quần thể những ngôi nhà đất cổ kính nằm tại tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc, được xây dựng chủ yếu bởi cộng đồng người Khách Gia - một nhóm dân tộc thiểu số có lịch sử di cư lâu đời từ phương Bắc xuống miền Nam Trung Quốc.

Thổ lâu Phúc Kiến
Thổ lâu Phúc Kiến (ảnh sưu tầm)

Từ lâu, Thổ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ kiến trúc đặc biệt, bền bỉ và khả năng chống chịu thiên tai, chiến tranh cực kỳ ấn tượng. Những công trình này thường có hình tròn hoặc hình vuông với kết cấu kiên cố, đủ sức chứa hàng chục, thậm chí hàng trăm người cùng chung sống. Không chỉ mang giá trị kiến trúc, Thổ lâu còn là minh chứng sống động cho lối sống cộng đồng, sự hòa hợp với thiên nhiên và trí tuệ của người dân nơi đây.

Với giá trị văn hóa – lịch sử đặc biệt, từ năm 2008, nhiều cụm Thổ lâu tại Phúc Kiến Trung Quốc đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất dành cho du khách trong và ngoài nước.

Lịch sử xây dựng

Lịch sử của Thổ lâu gắn liền với hành trình mưu sinh đầy gian nan của cộng đồng người Khách Gia (Hakka). Vào khoảng thế kỷ thứ 12, trong bối cảnh loạn lạc, người Khách Gia đã di cư xuống miền núi phía Nam Trung Quốc, khi đi đến Phúc Kiến, nhận thấy đây là nơi địa hình hẻo lánh nhưng có nhiều tiềm năng, họ đã sáng tạo nên những ngôi nhà đặc biệt, vừa là nơi ở, vừa là pháo đài phòng thủ vững chắc.

Ban đầu, họ xây nhà nhỏ, đơn lẻ, nhưng để thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và sự bảo vệ tập thể, người Hakka đã dần phát triển mô hình nhà chung lớn, trở thành nơi quần cư an toàn và gắn bó giữa các thành viên trong dòng tộc.

Lịch sử xây dựng gắn liền với hành trình mưu sinh đầy gian nan của cộng đồng người Khách Gia
Lịch sử xây dựng gắn liền với hành trình mưu sinh đầy gian nan của cộng đồng người Khách Gia (ảnh sưu tầm)

Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ người Khách Gia tiếp tục gìn giữ và phát triển kiến trúc Thổ lâu. Những ngôi nhà đất khổng lồ này không chỉ giúp cộng đồng chống chọi với thú dữ, cướp bóc mà còn thích nghi tốt với khí hậu khắc nghiệt của vùng núi. Đến nay, nhiều Thổ lâu đã có tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn vững chãi như ngày đầu, là niềm tự hào và di sản vô giá của người dân Phúc Kiến.

Xem thêm: Thành cổ DuKeZong – Di sản Tây Tạng hơn 1.300 năm tuổi

Kiến trúc của Thổ lâu Phúc Kiến có gì đặc biệt?

Điểm đặc biệt nhất khiến Thổ lâu trở thành biểu tượng kiến trúc độc nhất vô nhị chính là thiết kế bền vững, kiên cố nhưng lại hài hoà với thiên nhiên. Hầu hết các Thổ lâu đều có hình dáng tròn - tượng trưng cho sự viên mãn, hài hoà và hình vuông - tượng trưng cho sự vững chãi. Tường nhà được xây dựng hoàn toàn từ đất sét trộn cát, đá và tre nén chặt, dày từ 1-2 mét, cao 3-5 tầng, có khả năng cách nhiệt tốt vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông, đồng thời chống lại thiên tai, hoả hoạn, thâm chí đạn pháo.

Kiến trúc độc đáo của Thổ lâu
Kiến trúc độc đáo của Thổ lâu (ảnh sưu tầm)

Không gian bên trong Thổ lâu được thiết kế khoa học và hợp lý. Mỗi tầng có chức năng riêng: tầng trệt để kho lương thực và bếp, tầng 2 là kho chứa đồ, tầng 3 trở lên dùng để ở. Phần trung tâm thường là khoảng sân chung hoặc nhà thờ tổ tiên, xung quanh là các gian nhà tầng xếp vòng tròn hoặc hình vuông. Mỗi gia đình sẽ có không gian sinh hoạt riêng nhưng vẫn kết nối với cộng đồng chung. Cách thiết kế này giúp tối ưu hóa không gian sử dụng, đồng thời duy trì nếp sống cộng đồng bền chặt suốt nhiều thế hệ.

Thời điểm thích hợp để tham quan Thổ lâu Phúc Kiến

Nếu bạn yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên yên bình, trong lành của khung cảnh đậm chất làng quê Trung Quốc thì mùa xuân và mùa thu chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để khám phá Thổ lâu Phúc Kiến.

Khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, khi mùa xuân ghé qua, cả vùng núi Phúc Kiến như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài. Những rừng cây xanh mướt, hoa lá đua nhau khoe sắc, tiết trời trong lành, mát mẻ. Lúc này, những ngôi nhà đất Thổ lâu nổi bật giữa khung cảnh núi rừng xanh biếc, tạo nên bức tranh bình yên mà đầy sức sống. Đây cũng là thời điểm các lễ hội truyền thống diễn ra sôi động, bạn vừa được tham quan, vừa có cơ hội tìm hiểu văn hóa bản địa đặc sắc.

Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11 lại mang đến cho Thổ lâu một vẻ đẹp trầm mặc, lãng mạn hơn. Tiết trời se lạnh dễ chịu, những rừng cây bắt đầu ngả vàng, đỏ, tạo nên bức tranh thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Dạo bước trên những con đường làng nhỏ, lắng nghe tiếng chim hót, ngắm nhìn những ngôi Thổ lâu cổ kính nằm yên bình giữa cảnh sắc mùa thu, chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên.

Xem thêm: Khám phá Phủ Khai Phong – Hành trình trở về thời Bao Công xử án

Những địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ

Vua Thổ Lâu (Chengqilou)

Chengqilou là tòa Thổ lâu nổi tiếng nhất và cũng là công trình tiêu biểu nhất trong quần thể Thổ lâu Phúc Kiến. Với thiết kế hình tròn đồ sộ, đường kính lên tới 62 mét, cao 4 tầng và có tới 400 phòng, Chengqilou được mệnh danh là "Vua của các Thổ lâu". Đây là nơi sinh sống của hàng trăm người thuộc cùng một dòng họ, minh chứng rõ nét cho lối sống cộng đồng bền chặt của người Khách Gia.

Đặt chân tới Chengqilou, bạn sẽ choáng ngợp trước sự kiên cố, quy mô hoành tráng và thiết kế thông minh của công trình. Bên trong, du khách có thể tự do khám phá các tầng nhà, tìm hiểu đời sống sinh hoạt và thưởng thức trà đạo cùng người dân địa phương.

Vua Thổ Lâu (Chengqilou)
Vua Thổ Lâu (Chengqilou) (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Thôn Gaobei, Huyện Vĩnh Định (Yongding), Thành phố Longyan, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Giờ mở cửa: 24/7

Giá vé: 60 CNY (khoảng 220.000 VND/người)

Quần Thể Thổ Lâu Chuxi

Nằm ẩn mình giữa núi non trùng điệp, Quần thể Thổ Lâu Chuxi là một trong những điểm tham quan được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây sở hữu hơn 30 ngôi nhà Thổ lâu lớn nhỏ đan xen nhau tạo thành một bức tranh làng quê yên bình, cổ kính.

Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ quần thể hiện lên như một bức tranh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Bạn có thể leo lên các đỉnh núi xung quanh để phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh tuyệt đẹp hoặc dạo bước trên những con đường làng, tận hưởng không khí trong lành và khám phá nếp sống mộc mạc của người dân bản địa.

Quần thể Thổ Lâu Chuxi
Quần thể Thổ Lâu Chuxi (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Thôn Chuxi, Huyện Vĩnh Định (Yongding), Phúc Kiến, Trung Quốc.

Giờ mở cửa: 9:00–18:00

Giá vé: miễn phí

Tòa Nhà Yuchang (Yuchanglou)

Yuchanglou là một trong những Thổ lâu cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay, được xây dựng từ năm 1308. Điều đặc biệt chính là các cột trụ bên trong bị nghiêng rõ rệt, có chiếc nghiêng tới 15 độ, nhưng tổng thể công trình này vẫn vô cùng kiên cố, bền vững suốt hơn 700 năm qua.

Chính sự lệch chuẩn thú vị này đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ và thông minh trong kiến trúc truyền thống. Đây cũng là nơi lý tưởng để tìm hiểu về kỹ thuật xây dựng tài tình của người Khách Gia xưa.

Yuchanglou
Yuchanglou (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Thôn Xiabanliao, Thị trấn Shuyang, Huyện Nanjing, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Giờ mở cửa: 08:30–17:30

Giá vé: 90 CNY (khoảng 327.000 VND/người)

Tháp Hoài Nguyên (Huaiyuan Tulou)

Được xây dựng vào năm 1907, Huaiyuan Tulou với cấu trúc hình tròn hoàn hảo, bức tường đất dày kiên cố, các chi tiết trang trí bằng gỗ và đá mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Hakka.

Không gian bên trong rộng rãi, thoáng đãng, được chia thành nhiều phòng ở, nhà kho,.. Khi đến đây, bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn về lối sống cộng đồng, sự gắn kết và truyền thống tôn trọng cội nguồn của người dân nơi đây.

Tháp Hoài Nguyên (Huaiyuan Tulou)
Tháp Hoài Nguyên (Huaiyuan Tulou) (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Gần làng Yunshuiyao, Huyện Nanjing, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Giờ mở cửa: 08:30–17:30

Giá vé: 90 CNY (khoảng 327.000 VND)

Thị Trấn Cổ Vân Thủy Dao (Yunshuiyao)

Ngoài những Thổ lâu nổi tiếng, Vân Thuỷ Dao là một điểm dừng chân lý tưởng bởi không gian thơ mộng, bình yên. Thị trấn nằm nép mình bên những dòng suối trong vắt, những con đường lát đá cổ kính, cây đa hàng trăm năm tuổi toả bóng mát bên bờ suối cùng những ngôi nhà gỗ, nhà đá truyền thống.

Tản bộ dọc trên những con đường đá quanh co, chiêm ngưỡng khung cảnh làng quê thanh bình và thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống nông thôn Trung Hoa xưa. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá với các làng nghề truyền thống, các quán trà ven đường và những phiên chợ quê giản dị, mộc mạc.

Thị Trấn Cổ Vân Thủy Dao (Yunshuiyao)
Thị Trấn Cổ Vân Thủy Dao (Yunshuiyao) (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Thị trấn Shuyang, Huyện Nanjing, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Giờ mở cửa: Khu phố cổ 08:00–21:00, các điểm chính 08:30–17:00

Giá vé:

  • Người lớn: 90 CNY (khoảng 327.000 VND)
  • Trẻ em cao 1,1 – 1,4 m: 45 CNY (khoảng 164.000 VND)
  • Dưới 1,1 m: Miễn phí

Xem thêm: Hắc Long Giang - Thiên đường tuyết trắng của Trung Quốc

Những món ăn đặc sản nhất định phải thử khi đến Phúc Kiến

Phật Nhảy Tường

Phật Nhảy Tường là một trong những món ăn độc đáo nhất trong ẩm thực Trung Hoa nổi tiếng khắp thế giới. Món ăn được chế biến cực kỳ công phu từ hơn 20 loại nguyên liệu hảo hạng như bào ngư, vi cá, hải sâm, sò điệp, nấm hương,..tất cả được hầm kỹ trong nhiều giờ để đạt được hương vị đậm đà đặc trưng.

Tương truyền rằng, mùi thơm của món ăn lan toả hấp dẫn đến mức khiến các nhà sư cũng phải “nhảy tường” để thưởng thức, từ đó cái tên độc đáo này ra đời. Đây là một món ăn cao cấp thường được phục vụ trong các nhà hàng sang trọng hoặc vào các dịp đặc biệt như Tết nguyên đán, lễ cưới, mừng thọ,..

Phật Nhảy Tường
Phật Nhảy Tường (ảnh sưu tầm)

Mì Phúc Kiến

Mì Phúc Kiến là món ăn truyền thống phổ biến và dễ dàng tìm thấy ở các quán ăn địa phương. Sợi mì mềm, dai, nước dùng được hầm từ xương, hải sản tạo vị ngọt thanh, kết hợp với tôm, trứng, thịt và các loại rau xanh tươi ngon. Hương vị đậm đà, béo nhẹ, nước dùng màu nâu sánh đậm mang hương vị riêng biệt của vùng đất Phúc Kiến.

Mì Phúc Kiến
Mì Phúc Kiến (ảnh sưu tầm)

Vịt hầm Phúc Kiến

Vịt hầm kiểu Phúc Kiến được chế biến công phu với nhiều lớp hương vị, thịt được ướp với gia vị đặc trưng, rượu, gừng, nước tương đen và đường nâu, sau đó đem chiên sơ cho săn lại rồi cho vào nồi đất hầm cùng thảo mộc. Quá trình hầm kéo dài nhiều giờ liền giúp thịt thấm đều gia vị, mềm nhưng không bị bở. Món ăn có màu nâu sẫm óng ánh, thường dùng kèm cơm trắng hoặc bánh gạo hấp nóng.

Vịt hầm kiểu Phúc Kiến
Vịt hầm kiểu Phúc Kiến (ảnh sưu tầm)

Súp cá viên

Súp cá viên là món ăn quen thuộc thường ngày trong bữa cơm của người Phúc Kiến. Những viên cá được làm hoàn toàn từ cá tươi xay nhuyễn, trộn với lòng trắng trứng và gia vị cho thật dẻo, rồi nhồi nhân thịt heo và nấm hương vào giữa. Lớp vỏ mềm dai, bên trong đậm đà, cắn vào là tan chảy trong miệng.

Thổ lâu Phúc Kiến là di sản sống động của lịch sử, văn hoá và tinh thần gắn kết cộng đồng của người dân nơi đây. Giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả, Thổ lâu vẫn đứng đó, bình yên và bền bỉ, kể lại câu chuyện hàng trăm năm giữa núi rừng xanh thẳm. Công ty du lịch Saigontimes Travel sẽ cùng bạn trên hành trình khám phá những di sản độc đáo của đất nước Trung Hoa.

avatar

Yoko Thảo

Với nhiều năm kinh nghiệm với vị trí content writer và sáng tạo nội dung, đặc biệt là mảng về du lịch, Thảo Yoko hiện đang là biên tập viên phụ trách chính về phần nội dung mảng Tour du lịch nước ngoài của Saigontimes Travel.

Tags: