Phượng Hoàng Cổ Trấn - Vẻ đẹp trầm mặc và thơ mộng giữa Hồ Nam

Posted on 17/07/2025 by Yoko Thảo

Nằm nép mình bên dòng sông Đà Giang xanh ngọc, Phượng Hoàng Cổ Trấn tựa như một bức tranh thuỷ mặc sống động với từng ngôi nhà cổ kính, từng cây cầu, từng dòng sông như kể lại một câu chuyện xưa cũ bằng chính sự mộc mạc, trầm lắng. Cùng Saigontimes Travel tìm hiểu về thị trấn cổ này trong tour du lịch Trung Quốc ngay thôi!

Đôi nét về Phượng Hoàng Cổ Trấn

Phượng Hoàng Cổ Trấn tọa lạc tại huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam Trung Quốc, cách thành phố Trương Gia Giới khoảng 230km về phía Tây Nam. Đây là một trong những cổ trấn được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc, nằm bên dòng sông Đà Giang xanh biếc, bao quanh bởi núi rừng hùng vĩ và thung lũng xanh mướt.

Tuy vị trí khá xa đô thị nhưng chính sự cách biệt ấy đã giúp Phượng Hoàng gìn giữ nguyên vẹn nét đẹp nguyên sơ, trở thành viên ngọc quý giữa lòng đất nước Trung Hoa rộng lớn.

Phượng Hoàng Cổ Trấn
Phượng Hoàng Cổ Trấn (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: Tuojiang Town, Huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị dân tộc Thổ Gia – Miêu Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

Giờ mở cửa: mở cửa 24/7

Giá vé vào cổ trấn: Miễn phí

Lịch sử hình thành

Được xây dựng từ thời nhà Đường, đến nay đã hơn 1.300 năm, là một trong những cổ trấn Trung Quốc lâu đời nhất và nơi này từng là trung tâm giao thương sầm uất của miền Tây Hồ Nam, đồng thời là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số như Thổ Gia, Miêu, Hán. Dưới triều Minh - Thanh, nơi đây được xây dựng, mở rộng và phát triển với lối kiến trúc gỗ độc đáo, hài hoà giữa thiên nhiên và bàn tay con người.

Lịch sử hình thành Phượng Hoàng Cổ Trấn
Lịch sử hình thành Phượng Hoàng Cổ Trấn (ảnh sưu tầm)

Cái tên “Phượng Hoàng” gắn liền với truyền thuyết về đôi chim phượng hoàng bay ngang qua vùng đất này và bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nơi đây mà không nỡ rời đi. Qua bao cuộc chiến tranh lịch sử, Phượng Hoàng Cổ Trấn vẫn giữ được phần hồn cổ xưa, như một minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của văn hoá truyền thống Trung Hoa.

Mùa nào đẹp nhất để du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn?

Mùa thu được xem là thời điểm lý tưởng nhất để tham gia tour du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn. Khi ấy, thời tiết mát mẻ, ánh nắng nhuộm vàng từng mái ngói, dòng sông Đà Giang lấp lánh phản chiếu một màu đỏ rực. Mùa xuân trấn cổ như bừng lên sức sống mới với cây cối xanh tươi, hoa nở khắp lối. Và nếu bạn thích không khí se lạnh, mờ ảo thì mùa đông sẽ có sương mù bao phủ cả trấn cổ, thậm chí nơi đây còn khoác lên tấm áo trắng khi tuyết rơi.

Mùa thu được xem là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn
Mùa thu được xem là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn (ảnh sưu tầm)

Xem thêm: Tây Đường cổ trấn – Vẻ đẹp trầm mặc bên dòng nước ở Chiết Giang

Những trải nghiệm hấp dẫn tại Phượng Hoàng cổ trấn

Tham quan Phố cổ Phượng Hoàng

Cách tuyệt vời nhất để cảm nhận nhịp sống chậm rãi, bình yên nơi đây là dạo bước trên những con đường lát đá, hai bên là các căn nhà cổ gỗ nâu đỏ rêu phong. Mỗi góc nhỏ nơi đây đều mang hơi thở của quá khứ, từ những quán trà thơm lừng, các cửa tiệm thủ công truyền thống đến những ngôi nhà cổ bên sông với những chiếc lồng đèn đỏ treo lơ lửng trước hiên nhà, tất cả tạo nên một bức tranh sống động, chân thực và đầy cảm xúc.

Phố cổ Phượng Hoàng
Phố cổ Phượng Hoàng (ảnh sưu tầm)

Đi thuyền trên sông Đà Giang

Một trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn là ngồi thuyền xuôi dòng Đà Giang. Dòng sông mềm mại như một dải lụa xanh vắt ngang thị trấn cổ, lướt nhẹ trên mặt nước, ngắm nhìn hai bên bờ cổ kính và tận hưởng thiên nhiên thanh bình tại vùng đất Hồ Nam. Vào buổi tối, khi hàng ngàn chiếc đèn lồng được thắp sáng tạo nên khung cảnh vô cùng huyền ảo.

Đi thuyền trên sông Đà Giang
Đi thuyền trên sông Đà Giang (ảnh sưu tầm)

Dạo bước trên cầu Hồng Kiều

Cầu Hồng Kiều là một trong những biểu tượng kiến trúc của Phượng Hoàng. Cây cầu mái che được xây dựng vào thời Minh với kết cấu gỗ tinh xảo, chạm trổ hoạ tiết rồng phượng và cảnh vật dân gian. Bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh sông Đà Giang và những mái nhà cổ nghiêng mình bên dòng nước.

 Cầu Hồng Kiều
Cầu Hồng Kiều (ảnh sưu tầm)

Địa chỉ: thuộc khu vực trung tâm cổ trấn, dọc sông Đà Giang

Giờ mở cửa: từ 8:00–17:30

Bảo tàng Cổ thành

Để hiểu sâu hơn về lịch sử của vùng đất này thì hãy ghé thăm bảo tàng Cổ thành. Nơi đây trưng bày các hiện vật, bản đồ, tranh ảnh, trang phục và các công cụ sinh hoạt cổ xưa, tái hiện lại đời sống người dân cổ trấn Trung Quốc qua từng giai đoạn phát triển.

Bảo tàng Cổ thành
Bảo tàng Cổ thành (ảnh sưu tầm)

Chụp ảnh trong trang phục cổ trang Trung Quốc

Một trong những hoạt động được du khách yêu thích là thuê trang phục cổ trang và chụp ảnh trong khung cảnh của cổ trấn. Tại đây, có rất nhiều cửa hàng cho thuê trang phục với đủ kiểu dáng từ tiểu thư, công chúa quyền quý, phi tần đến tướng quân, khi mặc vào cảm giác như mình đang sống ở một thời đại khác.

Chụp ảnh trong trang phục cổ trang Trung Quốc
Chụp ảnh trong trang phục cổ trang Trung Quốc (ảnh sưu tầm)

Xem thêm: Chu Gia Giác - Cổ trấn đẹp như tranh giữa lòng Thượng Hải

Các lệ hội đặc sắc ở Phượng Hoàng cổ trấn

Lễ hội đua thuyền rồng

Một trong những lễ hội đặc sắc ở Trung Quốc, lễ hội đua thuyền rồng được tổ chức vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, diễn ra trên sông Đà Giang với những chiếc thuyền rồng rực rỡ thi nhau lướt sóng trong tiếng trống vang dội và sự cổ vũ náo nhiệt hai bên bờ, tạo nên khung cảnh vô cùng sôi động. Lễ hội này không chỉ là một cuộc thi thể thao trên sông mà còn là dịp để người dân cầu mong mùa màng bội thu.

Lễ hội đua thuyền rồng
Lễ hội đua thuyền rồng (ảnh sưu tầm)

Lễ hội Khiêu Hoa

Một nét văn hoá đặc trưng của người Miêu, lễ hội Khiêu Hoa thường được tổ chức từ mùng 2 đến 15 tháng 2 âm lịch. Người dân sẽ mặc những trang phục sặc sỡ, nhảy múa quanh đống lửa, đánh trống, ca hát suốt đêm để mừng mùa xuân mới. Đây cũng là dịp tuyệt vời để du khách trải nghiệm đời sống bản địa độc đáo.

Lễ hội đèn lồng

Vào ngày rằm tháng Giêng, cả trấn cổ lung linh trong hàng ngàn chiếc đèn lồng đỏ treo rực rỡ khắp. Dòng người đổ về viết điều ước lên đèn, cầu nguyện, thả đèn hoa đăng, khiến cho khung cảnh huyền bí và ấm áp đầu năm.

Lễ hội đèn lồng ở Phượng Hoàng Cổ Trấn
Lễ hội đèn lồng ở Phượng Hoàng Cổ Trấn (ảnh sưu tầm)

Ẩm thực hấp dẫn ở Phượng Hoàng Cổ Trấn

  • Lẩu cá cay - Một món ăn đặc trưng của vùng Hồ Nam, lẩu cá cay với cá tươi được nấu với ớt đỏ, hạt tiêu tê và các loại gia vị truyền thống tạo nên hương vị cay nồng đặc trưng, vừa thách thức vị giác, vừa khiến bữa ăn thêm phần ấm áp vào những buổi tối se lạnh.
Lẩu cá cay
Lẩu cá cay (ảnh sưu tầm)
  • Vịt hầm tiết và gạo nếp - Đây là món ăn truyền thống thường được dùng vào dịp lễ hội hoặc tiếp đãi khách quý. Vị béo mềm của thịt vịt quyện với gạo nếp thơm dẻo và tiết được nấu nhừ, tạo nên một hương vị béo thơm, đậm đà và rất bổ dưỡng.
  • Bánh tép - Món ăn đường phố cực kỳ hấp dẫn, được làm từ bột gạo và tép tươi chiên vàng giòn, ăn kèm với tương ớt hoặc nước tương đậm đà. Vừa đi bộ vừa nhâm nhi bánh tép nóng hổi là một trải nghiệm ẩm thực vô cùng thú vị.

Phượng Hoàng Cổ Trấn chính là nơi chạm đến trái tim của những du khách yêu cái đẹp của sự tĩnh lặng, của ký ức và những điều giản dị. Hãy thử một lần cùng công ty du lịch Saigontimes Travel đến nơi đây để thấy rằng, giữa cuộc sống hiện đại đầy bộn bề, vẫn có những nơi khiến ta muốn sống chậm lại, để lắng nghe nhịp đập của thời gian.

avatar

Yoko Thảo

Với nhiều năm kinh nghiệm với vị trí content writer và sáng tạo nội dung, đặc biệt là mảng về du lịch, Thảo Yoko hiện đang là biên tập viên phụ trách chính về phần nội dung mảng Tour du lịch nước ngoài của Saigontimes Travel.

Tags: